“Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả

0
533
“Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả
“Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả

Không quá khó để ngồi lướt mạng rồi bỏ ra khoảng 10 triệu đồng, chỉ sau 2 đến 3 ngày sẽ nhận được một chiếc sổ đỏ giả theo ý muốn của người mua. Điều đáng nói, những người nhận làm giấy tờ giả này cam kết giống thật 99% và có thể an tâm lưu thông được thoải mái trên thị trường. Sử dụng giấy tờ giả với nhiều mục đích sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và gây hoang mang xã hội.

  1. Lên mạng – dễ dàng có sổ giả

Chỉ với vài cú kích chuột trên mạng, người có nhu cầu có thể tìm thấy hàng chục trang web bán giấy tờ giả được quảng cáo ở phần đầu giao diện tìm kiếm Google. Các trang web này có một điểm chung đó là được quảng cáo rất công khai, bùi tai và cam kết các loại bằng cấp và giấy tờ đều làm 100% bằng phôi thật. Không những thế, các chữ ký, mộc giáp lai, tem phản quang chống hàng giả đều là ký tay, đóng mộc thật, dán tem thật chứ không phải hàng dùng máy in kém chất lượng… 

Liên hệ với một số đối tượng nhận làm giấy tờ giả ghi trên trang web như: Tình, Dũng thì những người này cho biết, giá cả của các loại giấy tờ dao động từ 2 triệu đồng cho đến 40 triệu đồng, tùy theo chủng loại, chất lượng và tỉnh thành muốn in trong giấy. 

Chúng tôi lăn tăn về chất lượng giấy tờ khi sử dụng thì không chỉ Tình mà những người làm giả các loại giấy tờ này đều cam kết 99% là giao dịch tốt. Thậm chí, sổ giả có đem đi cầm đồ, đặt cọc lấy tiền đều được. 

Một thực tế mà quá trình chúng tôi tìm hiểu thì tất cả đầu mối nhận làm giấy tờ giả này đều giống nhau đó là không bao giờ nghe bất cứ cuộc gọi trực tiếp nào kể cả điện thoại hay zalo. Ngoài ra, việc giao dịch đều chỉ trực tuyến chứ không hề có bất cứ một địa chỉ cụ thể nào. Khi đặt ra các nghi ngờ thì đều nhận được câu trả lời là “Làm ăn. Uy tín. Chất lượng”.

2. Công chứng viên mách nước phân biệt giấy tờ thật- giả

Trao đổi với phóng viên Lao Động, bà Phạm Thị Minh Hảo – Phó Trưởng Văn phòng công chứng Hồng Hà (Đống Đa, Hà Nội) – cho biết, hiện nay, các đối tượng vì lợi nhuận mà bất chấp làm trái quy định của pháp luật để làm giả nhiều giấy tờ trong đó có con dấu. Với  mục đích sử dụng con dấu để xác nhận vào các hợp đồng, chứng từ, giao dịch nhằm hợp pháp hóa giấy tờ. Chính điều này càng khiến cho những công chứng viên gặp khó khăn hơn trong việc nhận biết con dấu, giấy tờ giả. Do đó, bà Hảo cho biết, hiện nay việc phân biệt giấy tờ, con dấu, chứng từ thật giả chỉ dựa vào kinh nghiệm cảm quan và máy móc.

Theo kinh nghiệm của bà Hảo, chữ ký giả thường không tự nhiên, không lưu loát, đường nét run, gãy, không có mối liên kết các nét, nét bắt đầu và nét kết thúc không sắc gọn… Tuy nhiên, với bà đó là tất cả những cảm quan bên ngoài mà mắt thường có thể nhận thấy được. Còn để chính xác hơn, giảm thiểu tối đa sai sót thì bà Hảo cho biết, cần trang bị công cụ hỗ trợ cho các công chứng viên khi tiếp nhận hồ sơ.

“Ngoài ra, khi phát hiện việc giả mạo giấy tờ, mạo danh người khác, về nguyên tắc  phải lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền. Tuy vậy, tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người sử dụng giấy tờ giả hoặc người giả mạo” –  bà Hảo cho hay.

3. Phải quản lý chặt chẽ phôi thật

Trao đổi với Lao Động, một cán bộ thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (chi nhánh quận Nam Từ Liêm) cho biết,  một số trường hợp được xác định là sổ đỏ giả nhưng lại làm từ phôi giấy chứng nhận thật, mặc dù phôi thật được phát hành và đánh số seri để quản lý.

“Nếu chỉ cần 1 phôi thật bị thất lạc và phôi đó rơi vào tay các đối tượng làm giả giấy tờ, thì toàn bộ số liệu sẽ bị scan cùng các loại chữ ký nháy được làm giả y như thật. Việc bị mất phôi thật là rất nguy hiểm và hy hữu vì toàn bộ thông tin là giả nhưng được làm trên 1 tờ phôi thật” – vị này giải thích.

Cũng theo vị cán bộ này, các đối tượng sử dụng nhiều cách để làm giả hồ sơ, giấy tờ liên quan đến sổ đỏ. Có trường hợp đối tượng tự sản xuất ra phôi và mọi số liệu, chữ ký giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Hay làm giả tên người chủ sử dụng đất, số tờ, số thửa và diện tích đều khớp khi đối chiếu với hồ sơ lưu giữ. 

Qua đó ngăn chặn, thu giữ hồ sơ giả không để phát tán ra bên ngoài” – vị cán bộ nói. Xác thực giấy tờ thật giả tại đây

4. Bộ luật sử phạt khi làm giấy tờ giả

Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tại Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

                                                                                                       (Theo : CAO NGUYÊN- VIỆT DŨNG- PHẠM ĐÔNG – Laodong.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây